Sơ lược lịch sử Giáo đoàn Thánh Antôn Quỳnh
Khi các nhóm giáo hữu di dân tới một vùng đất mới, do nhu cầu thiêng liêng của những người xa xứ, ước muốn sống lại những tập quán thói quen trong nếp sống đạo tại quê hương cũ, họ có khuynh hướng tự qui tụ và tự tổ chức những hình thức sinh hoạt tôn giáo tại vùng đất định cư. Từ những nỗ lực ấy đã bộc phát những sáng kiến sống đạo trước khi có một cơ cấu mục vụ do giáo quyền địa phương chính thức thành lập để giúp đỡ các di dân.
Bước chân khai phá
Từ những thập niên trước khi làn sóng người Việt tỵ nạn đến Thụy Sĩ thì đã có một số sinh viên du học mà phần lớn cư ngụ và theo học tại đại học tại Fribourg. Hơn nữa các sinh viên thời đó đến du học tại Thụy Sĩ đều phải qua khoá học dự bị tại đây. Trong số những anh chị em sinh viên này có các chủng sinh, tu sĩ, linh mục và một số khá đông sinh viên công giáo nên thỉnh thoảng đã có lễ Việt Nam tại nhà nguyện đại học hoặc tại Foyer St. Justin …
Vào cuối thập niên 70, vùng Thụy sĩ Pháp có hai trại tiếp nhận các thuyền nhân Việt Nam tại Courtepin và Montet trong tổng Fribourg và nhiều trại khác trong các bang thuộc vùng nói tiếng Ý và tiếng Đức. Cha Lạc, một linh mục Thụy sĩ dòng Don Bosco, từng sống tại Việt Nam trước năm 1975, thỉnh thoảng tới dâng Thánh lễ cho giáo dân Việt nam trong trại Courtepin và các nơi khác. Sau khi rời trại, đa số giáo dân trong hai trại Montet và Courtepin định cư tại tổng Fribourg, nhưng cũng có một số khác từ các trại trên về thành phố Fribourg hoặc Lausanne, Genève, Vevey, Neuchâtel.
Tại Fribourg có Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam, lúc đó cha Giuse Phạm Minh Văn làm chủ tịch. Trong vai trò này, Caritas, Hồng Thập Tự và các cơ quan từ thiện cũng như Giáo Hội Thụy sĩ ngỏ lời xin các linh mục đi thông dịch và giúp đỡ. Chính qua việc giúp đỡ này mà nẩy sinh ra công việc Mục Vụ cho người Việt Nam tỵ nạn tại Thụy Sĩ ngay từ mùa hè năm 1978. Nhưng năm 1978, cha Phạm Minh Văn chưa là linh mục, nên đã xin các cha Trần Văn Bảo, Cha Emilien Nguyễn Mai, cha Robert Nguyễn Niêm, cha Giuse Trần Đức Anh, … trợ giúp thông dịch và lo việc bí tích cho các anh chị em công giáo. Qua hai buổi họp chung với các cơ quan từ thiện tại Bern và với Hội đồng mục vụ cho người di dân của Giáo Hội công giáo Thụy Sĩ tại chủng viện St. Beat/Luzern, Đức cha Anton Hängy chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ đã ủy thác công việc Mục Vụ cho cha Giuse Phạm Minh Văn « bằng lời » để điều hợp mục vụ cho người Việt Nam.