MỪNG LỄ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót là một ngày lễ trọng của Giáo Hội Công Giáo được cử hành vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Ngày lễ này do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập dựa trên sự sùng kính của người Công Giáo đối với Lòng Chúa Thương Xót do Thánh nữ Faustina Kowalska loan truyền.

Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock, Ba Lan, Thánh nữ Faustina đã được Chúa Giêsu hiện ra trong một thị kiến.

Trong nhật ký Thánh nữ có ghi: “Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn thẳng vào Chúa không chớp mắt trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa phán với Thánh nữ: “Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: « Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” Lời tuyên xưng đặt trọn niềm tin tưởng nơi quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những lo lắng hoảng sợ trước bao nhiêu sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta luôn trào dâng một niềm cậy trông vững chắc… Chúng ta ước ao được nhìn vào con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng thương xót, để nhận ra nơi sâu thẳm trong cái nhìn của Chúa, những ân sủng mà chúng ta thường nhận được và Chúa vẫn trao ban hàng ngày cho chúng ta mãi mãi cho đến tận thế …”

40 NĂM NHÌN LẠI

-THÀNH LẬP GIÁO XỨ TÒNG NHÂN

Hãy ngược dòng thời gian trở lại cuối thập niên 1970. Đông Nam Á trong cơn khủng hoảng « Thuyền Nhân » Việt Nam. Hàng ngàn người vượt biển đi tìm tự do, bất chấp những hiểm nguy ! Hết đợt này đến đợt khác, cập vào bờ Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông….Hoặc phải lênh đênh trôi dạt trên biển cả. Hình ảnh của Thuyền Nhân Việt Nam bị đấm tàu, bị hải tặc, bị kiệt sức, bị đói khát, bị hôn mê và chết trong những con thuyền gỗ mong manh lênh đênh trên biển, được đăng trên báo chí và truyền hình hàng ngày, đã làm rơi lệ hàng triệu người trên Thế Giới. Cùng với sự xúc động này, khiến cho các tôn giáo, cơ quan từ thiện, các chính phủ tây phương đã khẩn cấp cứu vớt hàng ngàn người việt tị nạn. Họ đã sống lây lất trong các trại tị nạn Đông Nam Á với những mất mát đau thương trên đường vượt biển. Đó chính là hình ảnh của chúng ta, của người thân, của đồng hương người Việt mà chúng ta không bao giờ quên được.

40 năm nhìn lại, chúng ta luôn xác tín rằng : Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường, trong mọi việc mình làm.  Và cũng vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, hàng ngàn Thuyền Nhân được định cư trên đất nước Thụy Sĩ.

Khi các nhóm giáo hữu Việt Nam đến Thụy Sĩ, do nhu cầu thiêng liêng của những người xa xứ, ước muốn của họ là sống lại những tập quán, thói quen trong nếp sống đạo tại quê hương. Họ có khuynh hướng tự qui tụ và tự tổ chức những hình thức sinh hoạt tôn giáo tại vùng đất mình định cư. Từ những nỗ lực ấy đã bộc phát những sáng kiến sống đạo trước khi có một cơ cấu mục vụ do giáo quyền địa phương chính thức thành lập để giúp đỡ người tị nạn.

Sau khi lãnh nhận thánh chức linh mục ngày 28 tháng 4 năm 1979, ngoài Fribourg đã có thánh lễ từ trước, cha Giuse Phạm Minh Văn tổ chức thánh lễ và các cuộc gặp gỡ cho người Việt tại các địa điểm từ Genève đến St. Gallen và từ Basel xuống Lugano …

Đức cha Anton Hängy, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ cho người di dân của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ đã ủy thác công việc Mục Vụ cho cha Giuse Phạm Minh Văn   để điều hợp mục vụ cho người Việt Nam. Hội đồng Giám Mục Thụy sĩ cũng thiết lập một giáo xứ tòng nhân để chăm sóc mục vụ cho các tín hữu người Việt tại Thụy sĩ.

-MỪNG Kỷ NIỆM 40 NĂM LINH MỤC CHA GIUSE PHẠM MINH VĂN

28 tháng 04 năm 1979 cha Giuse Phạm Minh Văn được lãnh Thánh Chức Linh Mục. 28 tháng 04 năm 2019 cũng vừa tròn 40 năm. Trong niềm vui mừng và tâm tình tri ân Thiên Chúa, hôm nay Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam  hân hoan mừng lễ tạ ơn Chúa nhân dịp kỷ niệm 40 năm Linh Mục của cha.

ý nghĩa của việc mừng kỷ niệm tạ ơn với con số 40 năm. Hôm nay, mọi thành phần dân chúa quy tụ nơi đây để chung chia niềm vui với cha Giuse và cùng với ngài, chúng ta dâng lên Chúa lời tạ ơn, vì 40 năm hồng ân Linh Mục mà Chúa đã trao ban cho ngài. Thiên chức linh mục là do ân ban từ Thiên Chúa, chứ không phải là do khả năng và sự tài giỏi của con người.

 

Con số 40 làm cho ta liên tưởng đến nhiều điều, bởi vì đây là con số có ý nghĩa rất đặc biệt và linh thánh. Nhờ lương thực của Thiên Chúa, ông Êlia đã đi suốt 40 đêm ngày tới Horeb, núi của Thiên Chúa (1V 19,8); Để tiến vào đất hứa, dân Do Thái đã phải lang thang suốt 40 năm trong sa mạc; Đức Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày, chịu Xatan cám dỗ (Mc 1,13).

Có thể nói, cha Giuse hôm nay đã tiến tới núi Sion, núi của Thiên Chúa. Tuy nhiên, để có được như ngày hôm nay, cha cũng đã phải vượt qua biết bao nhiêu thăng trầm và thử thách; nhưng ngài luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đó chính là lý do mà chúng ta cùng hiệp ý với cha dâng lễ tạ ơn. Xin Chúa luôn gìn giữ và giúp sức để cha có thể nói lên rằng : « Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác nơi Ngài »

 ———

THƯ MỜI THÁNH LỄ NGÀY 28 THÁNG 04 NĂM 2019

Giáo Đoàn Thánh Antôn Quỳnh kính mời,

Cha Bề Trên, quý cha và quý Thầy Đan Viện Fatima-Orsonnens,

Quý Cha Việt Nam khắp Thụy Sĩ,

Quý Thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ,

Cùng quý Ông Bà Anh Chị Em đến hiệp dâng  và tham dự Thánh Lễ lúc 15g30 ngày Chúa Nhật 28 tháng 04 năm 2019 tại Giáo Xứ Thánh Phêrô và Phaolô, bên cạnh nhà dòng Notre-Dame de Fatima (Orsonnens) để :

  • Mừng Lễ Lòng Chúa Thương Xót
  • 40 năm thành lập Giáo Xứ Tòng Nhân
  • Kỷ niệm 40 năm Linh Mục cha Giuse Phạm Minh Văn

Sau Thánh Lễ xin kính mời quý cha, quý thầy phó tế, quý tu sĩ nam nữ, quý Ông Bà Anh Chị Em ở lại dùng cơm chiều tại nhà dòng để chia sẻ niềm vui với cha Tuyên Úy.

BHG Giáo Đoàn Thánh Antôn Quỳnh

Mừng Lễ ngày 28.04.2019 ……….